This is default featured slide 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 4 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured slide 5 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

5 dấu hiệu trên khuôn mặt tố bạn thiếu vitamin

Đôi mắt sưng húp

Bạn có thể sẽ nhận thấy đôi mắt của bạn đang sưng phồng sau khi thức dậy. Tuy nhiên, sự sưng phồng quá mức có thể cho biết lượng iod trong cơ thể thấp. Một nghiên cứu năm 2006 đã phát hiện ra mối liên quan giữa lượng iodine và bệnh tuyến giáp - một tình trạng có thể dẫn đến mệt mỏi, kiệt sức và mắt sưng phồng. Ngoài ra, bạn còn có thể thấy các dấu hiệu khác của thiếu hụt iod bao gồm da khô, tăng cân và móng giòn.

Thực phẩm chữa bệnh: Cà rốt, sữa chua, tảo bẹ, khoai tây, dâu tây và hạt cà phê…

Da nhợt nhạt

Một lớp da nhợt nhạt có thể là một dấu hiệu bạn cần tăng lượng vitamin B12. Thiếu vitamin này có thể dẫn đến đau người, mệt mỏi. Một triệu chứng khác của sự thiếu hụt vitamin này là một số bệnh răng miệng như viêm lợi phì đại, xuất huyết gây viêm quanh răng…

Thực phẩm cần bổ sung: Cá hồi, thịt đỏ, ngũ cốc bổ sung, sữa chua và phô mai…

Tóc khô

Nếu tóc bạn khị khô thì đây có thể là dấu hiệu bạn thiếu biotin hoặc vitamin B7. Mức độ thấp của biotin có thể dẫn đến móng dễ gãy và tóc mỏng. Liều cao của biotin thông qua các chất bổ sung vitamin có thể hữu ích để cải thiện chất lượng tóc và thậm chí điều trị bệnh tiểu đường.

Thực phẩm cần bổ sung: Trứng, quả hạnh, hạt đậu và ngũ cốc nguyên hạt…

Môi tái

Nếu đôi môi của bạn nhợt nhạt, điều này có nghĩa là bạn đang thiếu máu, và cần nhiều chất sắt trong chế độ ăn uống. Cơ thể thiếu sất dễ bị cảm lạnh và suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn.

Thực phẩn cần dùng: Thịt đỏ, hải sản, đậu, rau lá xanh đậm, ngũ cốc tăng cường sắt và đậu Hà Lan…

Chảy máu lợi

Bình thường bạn thấy một ít máu sau khi dùng chỉ nha khoa, nhưng nếu bạn nhận thấy lợi (nướu) của bạn nhạy cảm và chảy máu thường xuyên, đây có thể là một dấu hiệu của sự thiếu vitamin C trong chế độ ăn uống. Sự thiếu hụt này còn có thể gây ra bệnh ở máu với biểu hiện da dễ bị bầm tím, dễ chảy máu…

Thực phẩm cần bổ sung: Ổi, ớt Đà Lạt, dâu tây, bông cải xanh, quả kiwi, đu đủ…

Lê Thu Lương

(Theo MSN)

Biến dạng do viêm khớp có điều trị khỏi?

Phạm Văn Giang (Thanh Hoá)

viem khop dang thap

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh khớp mạn tính đồng thời là một bệnh lý tự miễn điển hình với các biểu hiện tại khớp, ngoài khớp và toàn thân ở nhiều mức độ khác nhau, diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề cho sức khỏe của người bệnh. Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp biểu hiện: Sưng, nóng, đỏ, đau do viêm màng hoạt dịch của khớp, bắt đầu từ các khớp nhỏ ở ngoại biên như: Các khớp ở bàn tay, cổ tay, bàn - ngón tay, bàn - ngón chân, khớp gối, đối xứng hai bên. Cứng khớp, khó cử động khớp vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy, triệu chứng này kéo dài hằng giờ. Kèm theo các triệu chứng tại khớp là triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, người xanh xao, gầy sút. Khi bệnh viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán xác định thì việc dùng thuốc càng sớm càng tốt, nhất là trước khi xuất hiện tổn thương sụn khớp và đầu xương... Trường hợp đã có biến dạng khớp tức đã tổn thương sụn khớp và đầu xương thì việc điều trị có thể làm ngưng sự tiến triển của bệnh, chứ không thể cải tạo được các tổn thương đã có tại sụn khớp và đầu xương, có nghĩa các biến dạng vẫn còn bác ạ. Vì là bệnh mạn tính nên người bệnh phải chung sống hoà bình và việc điều trị là để không tổn thương thêm, không dẫn tới tàn phế ảnh hưởng đến chất lượng sống. Vì vậy, bác cần khám chuyên khoa xương khớp để được chỉ định dùng thuốc đúng với từng thời kỳ của bệnh.

BS. Đinh Thị Thanh

Phòng ngừa viêm dạ dày ở trẻ em

Các chuyên gia nhi khoa cảnh báo, bệnh về dạ dày ở trẻ em đang gia tăng, một phần là sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees, trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng. Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP).

Trong các bệnh lý về dạ dày thì có 3 bệnh hay gặp nhất: viêm dạ dày, loét dạ dày và ung thư dạ dày. Ba bệnh này liên quan mật thiết với nhau, viêm bao giờ cũng đi trước, dần đến loét và tiến triển thành ung thư. Trẻ em chủ yếu bị viêm dạ dày là chính, loét rất hiếm gặp.

Nguyên nhân gây bệnh viêm dạ dày

Viêm dạ dày được coi là căn bệnh của cuộc sống hiện đại, là những tổn thương ở niêm mạc dạ dày. Xã hội càng phát triển kéo theo nhiều áp lực thì bệnh viêm dạ dày càng tăng lên. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản nhất. Học ở trường, học ở lớp học thêm và học ở nhà, không còn thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí... Tất cả học sinh từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông dường như phải học quá nhiều. Sự quá tải trong việc học sẽ dẫn đến mệt mỏi, strees, trở thành gánh nặng cho sức khỏe nói chung và bệnh viêm dạ dày nói riêng.Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Viêm dạ dày không được điều trị dễ dẫn đến loét dạ dày.

Một nguyên nhân cơ bản thứ hai là do một loại vi khuẩn có tên Helicobacter pylori (HP). Kinh tế phát triển lại tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn: thức ăn đường phố, nguồn nước, môi trường, lối sống... ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa không đáp ứng kịp mà gây nên bệnh. Việc nhiễm vi khuẩn HP thường bắt đầu khi còn nhỏ, có khi 1-2 tuổi đã mắc, gặp nhiều nhất là khi trẻ 7-8 tuổi. Việc trẻ bị viêm dạ dày từ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh suốt đời, việc điều trị bệnh dễ tái phát, cần phát hiện sớm để được điều trị tích cực, kịp thời.

Những biểu hiện viêm dạ dày ở trẻ

Khi trẻ bị viêm dạ dày, trẻ sẽ không muốn ăn hoặc ăn không được vì đau, vì cảm giác khó chịu, đầy bụng sau ăn, hoặc nếu có ăn được thì thức ăn sẽ không được nghiền trộn và chuyển hóa tốt, kết quả là cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng, hoạt động của toàn bộ các cơ quan khác trong cơ thể sẽ suy yếu đi mà biểu hiện rõ rệt nhất là trẻ thường mệt mỏi, da xanh, gầy sút, uể oải, hoa mắt, hay hồi hộp, căng thẳng, mất tập trung.

Trẻ bị viêm dạ dày có biểu hiện đau bụng. Tuy nhiên, đau bụng ở trẻ thường không giống người lớn. Đau có thể liên quan đến bữa ăn như đau sau ăn. Bệnh có thể tăng lên khi ăn thức ăn, đồ uống kích thích niêm mạc dạ dày như chuối, đu đủ. Mặt khác, cơn đau bụng do viêm dạ dày ở trẻ em diễn ra khắp bụng chứ không chỉ đau vùng thượng vị, không có triệu chứng đau âm ỉ, ợ chua như bệnh dạ dày ở người lớn. Cũng có trường hợp trẻ đau bụng dữ dội, trẻ lăn lộn giống với triệu chứng đau do giun chui ống mật nên các bậc cha mẹ tưởng con mình bị đau bụng do giun.

Trường hợp viêm dạ dày ở trẻ có biểu hiện rất rõ là đau bụng tái diễn, nôn và buồn nôn, đi đại tiện ra máu tươi hoặc phân đen như bã cà phê.

Bệnh viêm dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm xuất huyết tiêu hóa (chảy máu dạ dày), thủng dạ dày, hẹp môn vị (ăn chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn và nôn)... ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí lực của trẻ.Vi khuẩn HP thủ phạm gây viêm dạ dày.

Vi khuẩn HP thủ phạm gây viêm dạ dày.

Điều trị và phòng ngừa viêm dạ dày

Kỹ thuật nội soi dạ dày là một phương pháp hữu hiệu cho kết quả chính xác nhất trong việc chẩn đoán bệnh dạ dày. Việc điều trị viêm dạ dày có thể phân ra 2 nhóm chính: nhóm do không nhiễm và nhóm nhiễm vi khuẩn HP. Tùy theo phân loại này mà bác sĩ chuyên khoa sẽ có những phác đồ điều trị thích hợp. Nhiều loại thuốc tốt thế hệ mới có tác dụng điều trị cả nguyên nhân lẫn triệu chứng. Tuy nhiên, việc điều trị phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ, tránh nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn HP.

Bên cạnh việc dùng thuốc, nhằm bình thường hóa chức năng của dạ dày, tăng cường hệ thống tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc dạ dày cần loại trừ các yếu tố gây bệnh như strees, áp lực tâm lý, căng thẳng, thức khuya... Bên cạnh đó cần chú ý đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vì nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn HP từ thức ăn là không nhỏ. Ăn uống khoa học, ăn chín, uống sôi, ăn đúng bữa, không ăn quá no, không ăn quá khuya, không vừa ăn vừa chạy nhảy, vừa ăn vừa đọc sách, xem tivi hoặc sử dụng các thiết bị điện tử... Khi có các triệu chứng về tiêu hóa như: đau bụng, chán ăn, khó tiêu, nôn, tiêu chảy, táo bón... cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

ThS. Phạm Tố Ngân

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp

Khi đang ở độ tuổi 20-30, bạn sẽ không thể ngờ rằng mình có thể bị viêm khớp

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp:

1. Tiền sử viêm khớp

Nếu bố hoặc mẹ bạn bị viêm khớp và than phiền về việc thường xuyên bị đau khớp, bạn nên kiểm tra mật độ xương hoặc làm xét nghiệm máu đơn giản. Tiền sử gia đình bị viêm khớp có thể khiến ngay cả người trẻ cũng có nguy cơ bị viêm khớp.

Có nhiều yếu tố di truyền và môi trường khiến một người dễ bị viêm khớp dạng thấp, một tình trạng mạn tính khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công màng và sụn của các khớp. Vì vậy, nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh, hãy lên kế hoạch với bác sĩ để phòng bệnh.

2. Thừa cân

Thừa cân kết hợp với lối sống ít vận động là yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp.

Đó là do các khớp đầu gối và mắt cá chân phải chịu gánh nặng từ trọng lượng của bạn và dần bị mòn và rách. Chúng bắt đầu thoái hóa và đó là khi các khớp đau và mỏi. Cách tốt nhất để tránh viêm khớp là giảm cân và làm săn chắc cơ xung quanh khớp để đỡ khớp. Ngoài ra, các hoạt động ít ảnh hưởng như đi xe đạp, bơi lội có thể giữ cho khớp khỏe mạnh.

3. Cứng khớp buổi sáng

Nếu bạn bị đau khớp và cơ và nó khiến bạn bị bất động trong vài phút đầu tiên sau khi thức dậy, hãy lưu ý tới tình trạng này. Cứng khớp buổi sáng khá phổ biến. Nó có thể cũng xảy ra khi bạn ngồi bắt chéo chân quá lâu. Đau thậm chí sau khi ngồi quá lâu trên một chiếc ghế hoặc nằm cũng là một dấu hiệu nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu bạn đang bị cứng cơ, bạn cần kiểm tra máu và chụp xquang để xác định tình trạng các khớp và xem có phải bị viêm khớp hay không. Đôi khi, tình trạng này cũng có thể do thiếu vitamin B3.

4. Đau ở khớp

Tình trạng đau ở các khớp khi đi bộ, leo cầu thang và ngay cả khi ngồi không là những dấu hiệu của viêm khớp. Đau khi tình trạng đau diễn ra nghiêm trọng ảnh hưởng tới giấc ngủ.

5. Mệt mỏi

Mệt mỏi cùng với sốt hoặc đau ở các mô không phải khớp có thể cũng là dấu hiệu của viêm khớp và bạn thường nhầm lẫn với cúm. Nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, hãy đi kiểm tra xương để đánh giá cùng với kiểm tra sức khỏe tổng thể.

BS Cẩm Tú

(Theo THS/ Univadis)

Biểu hiện của ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng (UTVH) là bệnh lý ác tính phát sinh từ các tế bào ở vùng vòm họng - phần cao nhất của hầu họng, ngay phía sau của mũi. Ðây là loại ung thư thường gặp hàng đầu trong các loại ung thư vùng đầu mặt cổ và đứng thứ 4 trong các loại ung thư nói chung.

Những biểu hiện của UTVH

Ung thư vòm thường được phát hiện muộn do bệnh tiến triển âm thầm, các triệu chứng của bệnh không đặc thù, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, hơn nữa vùng vòm ở sâu, là khu vực không dễ tiếp cận để thăm khám đối với các bác sỹ không chuyên khoa. Các triệu chứng của bệnh hầu hết là các triệu chứng “mượn” của các cơ quan lân cận và thường biểu hiện ở một bên:

- Biểu hiện ở mũi: Ngạt tắc mũi, chảy mủ mũi, chảy máu mũi, nói giọng mũi.

Hình ảnh ung thư vòm họng.

- Biểu hiện ở tai: U làm tắc vòi tai gây viêm tai giữa biểu hiện đau tai, ù tai, chóng mặt, nghe kém, có thể chảy mủ tai.

- Biểu hiện ở mắt: Khu u lan rộng vào nền sọ, gây liệt các dây thần kinh chi phối hoạt động mắt biểu hiện lác mắt, lồi mắt, sụp mi, giảm thị lực…

- Hạch cổ: Là dấu hiệu thường gặp, gặp ở 60-90% các trường hợp.

Ngoài ra còn có các biểu hiện toàn thân khác thường gặp như đau đầu nhiều, gầy sút cân trong thời gian ngắn, sốt kéo dài không rõ nguyên nhân… cũng cần phải được lưu ý.

Ðiều trị UTVH

Sau khi được chẩn đoán, các bác sỹ sẽ xác định giai đoạn của bệnh, căn cứ vào giai đoạn bệnh cùng một vài yếu tố khác để quyết định kế hoạch điều trị và tiên lượng bệnh. Các biện pháp điều trị chính hiện nay gồm có:

- Tia xạ: Với ung thư vòm hiện nay, xạ trị là phương pháp điều trị quan trọng nhất, chiếu tia cả khối u và hạch cổ nếu có. Với tiến bộ của khoa học kỹ thuật, các bác sỹ có thể xác định chính xác trường chiếu tia dựa vào các hình ảnh không gian 3 chiều nhằm tăng tối đa tác dụng của tia xạ trên khối u đồng thời hạn chế làm tổn thương mô lành.

- Hóa chất: Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.

- Phẫu thuật: Do vòm họng nằm ở vị trí giải phẫu chật hẹp và sâu nên trước đây phẫu thuật không có vai trò quan trọng trong điều trị triệt để mà chỉ có vai trò trong việc lấy bệnh phẩm để chẩn đoán bệnh. Ngày nay với sự tiến bộ của phẫu thuật nền sọ, kết hợp với nội soi đã mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh cho những bệnh nhân ung thư vòm thể kém đáp ứng với tia xạ như thể sừng hóa hoặc tái phát. Ngoài ra phẫu thuật còn có thể loại bỏ các hạch di căn ở vùng cổ giai đoạn còn khu trú.

Ngoài các phương pháp điều trị cơ bản như trên, các nhà khoa học hiện nay đang nỗ lực nghiên cứu các biện pháp điều trị mới dựa trên sinh học phân tử, công nghệ gen, miễn dịch học… và bước đầu đã cho thấy hiệu quả điều trị tích cực.

Tiên lượng bệnh phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh khi được phát hiện, nếu được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm tỷ lệ sống trên 5 năm sau điều trị có thể lên tới trên 70%, nhiều trường hợp khỏi hẳn. Với ung thư vòm giai đoạn muộn, tỷ lệ tái phát và di căn sau điều trị rất cao, tỷ lệ sống thêm trên 5 năm thấp từ 10% tới 40%. Tiên lượng bệnh còn phụ thuộc nhiều vào thể ung thư, ung thư biểu mô không biệt hóa có tiên lượng tốt nhất vì rất nhạy cảm với tia xạ, ung thư mô liên kết có tiên lượng kém nhất.

Phòng bệnh

Hiện tại các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu để phát triển vắc xin phòng virus Epstein-barr, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ung thư vòm. Trong khi chờ đợi các biện pháp phòng bệnh đặc hiệu như trên chúng ta có thể áp dụng các biện pháp khác để nâng cao sức khỏe nói chung, hạn chế các yếu tố nguy cơ khác của ung thư vòm như:

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có chế độ làm việc sinh hoạt hợp lý để nâng cao sức khỏe.

- Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu chất kích thích, hạn chế ăn các thức ăn lên men như dưa muối, cà muối…

- Điều trị sớm những viêm nhiễm ở đường mũi họng.

- Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường ở vùng tai mũi họng như đau đầu kéo dài, xì máu mũi, ù tai, hạch cổ to… nên đi khám chuyên khoa Tai Mũi Họng sớm để được nội soi vòm, loại trừ bệnh.

Tóm lại ung thư vòm là loại ung thư phổ biến ở Việt Nam, là bệnh nguy hiểm, độ ác tính cao nhưng có thể được điều trị rất tốt nếu được phát hiện sớm do đó cần nhận biết các dấu hiệu sớm, của bệnh để đi khám kịp thời, người có nguy cơ cao như tuổi trung niên, hút thuốc lá nhiều… nên được khám Tai mũi họng định kỳ mỗi 6 tháng để phát hiện bệnh sớm.

PGS.TS. Nguyễn Ðình Phúc

Giọng nói bỗng thay đổi

1, Khan tiếng: Trào ngược dạ dày

Đừng chủ quan khi thấy giọng nói của bạn trở nên khàn khàn sau một thời gian mà không có dấu hiệu thuyên giảm. Nó có thể là một dấu hiệu của trào ngược axit. Ngoài ra, khan tiếng cũng cảnh báo những triệu chứng của nhiều vấn đề khác nhau. Bà Amy Cooper- Giám đốc Viện các Bệnh lý về giọng nói thuộc Bệnh Viện Mount Sinai, New York cho biết bất cứ thay đổi trong giọng nói đang báo động các bệnh lý lành tính và nguy hiểm hơn là ung thư thanh quản .

2, Giọng nghẹt mũi: Viêm xoang mãn tính

Cảm lạnh thông thường khiến bạn khó chịu và tắc mũi. Triệu chứng nghẹt mũi cộng với việc phải thở bằng miệng kéo dài có thể dẫn đến tình trạng Rhinosinusitis- viêm mũi và viêm niêm mạc. Những bệnh nhân Rhinosinusitis mãn tính sẽ phát triển thành viêm xoang mãn tính.

3, Khàn giọng, yếu giọng: Bệnh tuyến giáp

Một sự thay đổi trong giọng nói của bạn có thể là dấu hiệu của rối loạn tuyến giáp. Các vấn đề về tuyến giáp dẫn đến tác động tiêu cực đến âm giọng.

Những dấu hiệu thông thường của bệnh nhân mắc các vấn đề về tuyến giáp là giọng nói ngày càng khàn trầm, yếu. Ung thư tuyến giáp sẽ ảnh hưởng đến các dây thần kinh mà thường chỉ một bên. Điều này sẽ dẫn đến tê liệt một bên thanh quản. Giọng nói sẽ yếu dần và mất hẳn tiếng.

4, Giọng nói đơn điệu, yếu ớt, nói nhịu: Bệnh Parkinson

Giọng nói bỗng trở nên nhỏ, khó nghe hay nói ngọng bất thường là dấu hiệu thường thấy của bệnh Parkinson. Khoảng 90% bệnh nhân Parkinson có thay đổi về giọng nói. Bà Cooper cho biết thêm “ Bệnh nhân Parkinson hầu hết gặp khó khăn trong việc tự kiểm soát và phát ra tiếng nói’’.

5, Khản giọng: Ung thư thanh quản

Trong giai đoạn đầu của ung thư thanh quản, giọng nói sẽ biến đổi. Đó là do sự rung động của dây thanh quản bị ảnh hưởng khi có sự bất thường trong cổ họng, dẫn đến khàn giọng. Tuy nhiên, khản giọng cũng do viêm thanh quản và tình trạng có thể kèo dài trong nhiều tuần.

Hãy luôn lắng nghe giọng nói của bạn và của người thân hàng ngày. Nó có thể đang tiết lộ điều gì đó về tình trang sức khỏe của bạn và gia đình !

Minh Anh ( Theo Medical Daily)

Làm thế nào biết con bị hẹp bao quy đầu?

Con tôi năm nay 8 tuổi, mỗi khi đi tiểu tôi thấy cháu thường phải rặn, tia tiểu bắn xa. Xin bác sĩ tư vấn giúp, có phải cháu bị hẹp bao quy đầu không, cách điều trị thế nào?

Hoàng Thị Điều

(Lạng Sơn)

Theo thư chị mô tả, rất có thể con chị đã mắc chứng hẹp bao quy đầu. Hẹp bao quy đầu có thể là hẹp sinh lý hoặc hẹp bệnh lý. Hẹp sinh lý là bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh ra.

Hẹp bệnh lý (hẹp thứ phát, mắc phải) là hẹp thật sự khi có sự hiện diện của sẹo xơ. Sẹo xơ được hình thành là do viêm nhiễm tái phát nhiều lần ở những bao quy đầu bình thường hoặc bao quy đầu dài. Đây chính là dạng hẹp bao quy đầu cần điều trị.

Trẻ bị hẹp bao da quy đầu thường có những biểu hiện tiểu khó, phải rặn làm phồng bao quy đầu, tia tiểu bắn xa. Những bé nhỏ thường quấy khóc và đỏ mặt vì rặn mỗi khi đi tiểu. Do phần do chít hẹp làm lỗ tiểu của bé nhỏ cản trở bài xuất nước tiểu nên bao quy đầu của trẻ thường xuyên tấy đỏ và ngứa ngáy, thậm chí nước tiểu rất đục và hôi. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ tích tụ các chất bẩn trong nước tiểu và dịch nhầy của đường tiết niệu đọng ở nếp da quy đầu. Đây là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây viêm đường tiết niệu, có thể ảnh hưởng và gây nhiều biến chứng không tốt tới thận.

Về điều trị, nếu như hẹp bao quy đầu không có biến chứng thì cho dù lứa tuổi nào cũng nên bắt đầu bằng điều trị bảo tồn không phẫu thuật trước bao gồm nong bao quy đầu và bôi thuốc. Trường hợp thất bại với điều trị bảo tồn thì mới cần tới điều trị phẫu thuật. Vì vậy chị nên cho cháu đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa Nhi để bác sĩ khám và có chỉ định thích hợp.

Bác sĩ Duy Cường

Những điều không nên làm khi con bị sốt

1. Đừng vội cho con uống thuốc kháng sinh

Phần lớn trẻ em dù sốt rất cao cũng không cần dùng kháng sinh. Điều trị sốt với loại xi rô chứa paracetamol sẽ có tác dụng (sau khi tư vấn bác sĩ). Kháng sinh chỉ được dùng khi bác sĩ nghi ngờ có nhiễm vi khuẩn gây sốt.

2. Giữ vệ sinh tốt

Điều này giúp giảm thiểu nhiễm trùng. Rửa sạch tay trước và sau bữa ăn là cần thiết.

3. Luôn ăn các sản phẩm còn tươi

Trái cây, nước ép trái cây, thực phẩm tự chế biến là những lựa chọn tốt nhất để tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ.

4. Nếu bé bị nôn và tiêu chảy, tránh ép bé ăn, thay vào đó bổ sung nhiều chất lỏng và nước. Cho bé uống đồ uống điện giải, dung dịch điện giải tự làm với đường, muối, nước ép trái cây hoặc chỉ uống nước để phòng mất nước.

5. Bổ sung men vi sinh trong chế độ ăn của bé. Men này sẽ hỗ trợ tiêu hóa và cải thiện miễn dịch

6. Hạ nhiệt độ

Để hạ nhiệt độ cho bé, hãy lau người bé với nước ấm. Bạn có thể lặp lại điều này khi nhiệt độ tăng.

7. Theo dõi tiểu tiện của bé

Nếu con bạn không đi tiểu trong vòng 5-6 tiếng, có thể là bé bị mất nước. Trong trường hợp này, cần bổ sung dịch cho bé theo hướng dẫn như trên.

8. Tránh cho bé uống hoặc ăn ngay sau khi bé nôn. Hãy đợi ít nhất 30 phút trước khi cho bé ăn hoặc uống lại.

9. Quan sát các triệu chứng khác

Nếu con bạn không hạ sốt trong 3 ngày, mệt mỏi và nôn 5 tới 6 lần mỗi ngày. Bạn cần đưa bé đi khám. Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu trong trường hợp này là cần thiết.

10. Kiên nhẫn

Khi bé bị sốt bạn cần giữ bình tĩnh và kiên nhẫn để chăm sóc bé tốt hơn.

BS Cẩm Tú

(Theo THS)

Triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường

Nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Dưới dây là những triệu chứng của bệnh tiểu đường.

* Các triệu chứng sớm của bệnh tiểu đường:

- Chậm lành vết loét hoặc bị nhiễm trùng thường xuyên. Bệnh tiểu đường týp 2 ảnh hưởng đến khả năng chữa lành và chống nhiễm trùng của bạn.

- Mệt mỏi: Nếu tế bào của bạn đang bị thiếu đường, bạn có thể trở nên mệt mỏi và cáu kỉnh.

- Nhanh đói: Nếu không có đủ insulin để chuyển đường vào các tế bào, cơ bắp và các cơ quan của cơ thể trở nên cạn kiệt năng lượng. Điều này gây nên đói cồn cào.

- Khát nước và đi tiểu thường xuyên: quá nhiều đường trong máu khiến chất dịch bị đẩy ra ngoài mô. Do đó bạn có thể có cảm giác khát. Kết quả là, bạn có thể uống và đi tiểu nhiều hơn bình thường.

Các triệu chứng đầu tiên của bệnh có thể là:

- Nhìn mờ: Nếu lượng đường trong máu quá cao, chất dịch có thể bị đẩy ra khỏi thủy tinh thể. Điều này thể ảnh hưởng đến tiêu điểm của bạn.

- Mảng da sẫm màu: Một số người bị tiểu đường týp 2 có các mảng da màu tối, da thẫm ở chỗ nếp gấp, thường là ở nách và cổ. Tình trạng này cũng được gọi là chứng gai đen, có thể là dấu hiệu kháng insulin.

- Giảm cân: Mặc dù người bệnh cần ăn nhiều hơn bình thường để làm giảm cơn đói nhưng họ vẫn thể bị sút cân. Nếu không có khả năng chuyển hóa glucose, cơ thể sử dụng nhiên liệu thay thế được lưu trữ trong cơ và chất béo. Năng lượng bị mất là glucose dư thừa được giải phóng trong nước tiểu.

Ngoài các triệu chứng trên, các triệu chứng của bệnh tiểu đường týp 2 có thể bao gồm khô miệng và đau chân.

Không nhiều trường hợp bị tiểu đường týp 2 nhiều năm mà không biết mình có bệnh. Những trường hợp tiểu đường không được chẩn đoán này đôi khi chỉ được phát hiện qua kiểm tra sức khỏe định kỳ.

BS Tuyết Mai

(Theo Timesofinda/univadis)

Ngăn ngừa bệnh viêm cầu thận cấp

Có thể nói viêm cầu thận cấp là bệnh thận chủ yếu của trẻ em và thanh thiếu niên. Các nhà khoa học ghi nhận tỉ lệ trẻ em bị viêm cầu thận cấp được điều trị tại bệnh viện chiếm khoảng 3 - 5% các trường hợp bệnh nhi nhập viện. Ở nước ta, bệnh viêm cầu thận cấp có thể xảy ra quanh năm nhưng thường nhiều hơn về mùa hè do tình trạng nhiễm khuẩn ngoài da khá phổ biến và cả mùa lạnh do viêm họng.

Bệnh viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi người bệnh đã bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn trước đó. Ở người lớn đa số bệnh viêm cầu thận cấp xuất hiện sau khi bị nhiễm khuẩn mũi họng, trái lại ở trẻ em bệnh viêm cầu thận cấp xảy ra sau nhiễm khuẩn ngoài da và thường chiếm tỉ lệ cao hơn. Bệnh lưu hành tản phát nhưng đôi khi có thể gây dịch trong một quần thể dân cư với điều kiện vệ sinh phòng bệnh kém.

Nguyên nhân

Viêm cầu thận cấp ngoài nguyên nhân do bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn, còn có thể do bệnh toàn thân, bệnh cầu thận tiên phát và các bệnh khác.

viem cau than capBệnh bắt đầu một cách kín đáo với mệt mỏi, sốt nhẹ, đau lưng, da hơi xanh, phù nhẹ ở mặt, đi tiểu ít

Đối với các bệnh nhiễm khuẩn, viêm cầu thận cấp thường xảy ra sau khi bị nhiễm liên cầu khuẩn và các trường hợp nhiễm khuẩn khác không phải là liên cầu khuẩn. Viêm cầu thận cấp do nhiễm vi khuẩn không phải là liên cầu khuẩn được ghi nhận ở những bệnh nhân bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, viêm thận Shunt là bệnh viêm cầu thận qua trung gian phức hợp miễn dịch xảy ra kết hợp với nhiễm khuẩn mạn tính ở ống dẫn lưu dịch não tủy của não thất để điều trị não úng thủy, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi do phế cầu khuẩn, thương hàn, giang mai thứ phát, nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu; đồng thời cũng có thể do nhiễm virút ở bệnh nhân bị viêm gan b, quai bị, thủy đậu, sởi, cocsackie A - B và do nhiễm ký sinh trùng ở bệnh nhân sốt rét, mắc bệnh giun xoắn toxoplasma.

Đối với bệnh toàn thể, viêm cầu thận cấp thường gặp ở bệnh nhân bị luput ban đỏ, xuất huyết ban Schonlein Henoch là một loại viêm mạch máu hoặc một nhóm các rối loạn gây ra viêm mạch máu; hội chứng Goodpasture là hội chứng phổi thận, một bệnh tự miễn gây tổn thương ở cả phổi và thận có thể dẫn đến suy thận.

Đối với bệnh cầu thận tiên phát, ghi nhận các trường hợp viêm cầu thận cấp ở bệnh nhân bị viêm cầu thận màng tăng sinh; bệnh Buerger là bệnh viêm thuyên tắc mạch máu thường gặp ở động mạch, tĩnh mạch tay hoặc chân; viêm cầu thận tăng sinh gian mao mạch đơn thuần.

Đối với các bệnh khác, viêm cầu thận cấp cũng được phát hiện ở những trưởng hợp mắc hội chứng Guillain Barré là bệnh viêm đa rễ và dây thần kinh cấp tính hay viêm đa rễ và dây thần kinh sau nhiễm khuẩn, sử dụng liệu pháp tia phóng xạ; u Wilms là khối u nguyên bào thận, một ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em; sử dụng các loại vắc-xin ho gà, bạch hầu, uốn ván; mắc bệnh huyết thanh...

Triệu chứng lâm sàng và biến đổi sinh học

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh bắt đầu một cách kín đáo với các dấu hiệu của triệu chứng toàn thân như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau lưng, da hơi xanh, phù nhẹ ở mặt, đi tiểu ít. Một số trường hợp bệnh có thể bắt đầu một cách nguy kịch với các dấu hiệu của huyết áp cao, phù phổi cấp hoặc suy tim cấp hay vô niệu. Đôi khi bệnh khởi phát một cách tiềm tàng, không có triệu chứng lâm sàng rõ rệt cho đến khi chuyển sang giai đoạn toàn phát với đầy đủ các triệu chứng.

viem cau than capTăng huyết áp là dấu hiệu xuất hiện sớm và rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh

Trong giai đoạn toàn phát của thể bệnh thông thường, có đầy đủ các triệu chứng như: phù thường bắt đầu ở mí mắt, mặt, rồi đến toàn thân; đa số các trường hợp phù chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình, phù trắng và mềm; nếu ăn nhạt thì triệu chứng phù sẽ giảm, còn không ăn nhạt thì triệu chứng phù sẽ tăng nhanh. Tăng huyết áp là dấu hiệu xuất hiện sớm và rất có giá trị trong chẩn đoán bệnh, thường tăng cả huyết áp tối đa và tối thiểu; ở các thể bệnh thông thường, huyết áp tăng lên từ 20 - 30mmHg; một số ít trường hợp huyết áp tăng cao gây các biến chứng ở hệ tim mạch hoặc thần kinh; nếu được điều trị kịp thời thì huyết áp sẽ nhanh chóng trở lại bình thường; cơ chế tăng huyết áp trong bệnh lý này chủ yếu do ứ đọng nước và muối một cách bất thường dẫn đến tăng khối lượng tuần hoàn. Đi tiểu ra máu có thể là đại thể trong khoảng 50 - 70% các trường hợp hoặc là vi thể, thường nước tiểu có màu hồng bẩn; đi tiểu ra máu đại thể thường kéo dài vài ngày nhưng hồng cầu niệu ở vi thể còn khá lâu mới hết. Cùng với triệu chứng tiểu ra máu, số lượng nước tiểu cũng giảm, có khi vô niệu. Đồng thời các dấu hiệu toàn thân cũng được ghi nhận, trong đa số các trường hợp có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, da xanh; ở người lớn thường đau mỏi vùng thắt lưng.

Lời khuyên của thầy thuốcPhòng ngừa bệnh viêm cầu thận cấp là phải phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời, có hiệu quả các bệnh lý nhiễm khuẩn đường mũi họng và ngoài da, đặc biệt là ở trẻ em; lưu ý đến những trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn. Những đối tượng đã bị viêm cầu thận cấp cần được theo dõi thương xuyên ít nhất là 1 năm sau khi xuất viện để phát hiện và điều trị kịp thời các biến chứng, ngăn ngừa bệnh trở thành mạn tính. Tuy vậy, việc điều trị dự phòng bằng kháng sinh đối với các trường hợp bệnh nhân bị bệnh thấp tim không cần thiết. Việc loại trừ các ổ viêm nhiễm mạn tính như viêm amiđan mạn tính, sâu răng là cần thiết nhưng chỉ nên thực hiện khi bệnh nhân đã ổn định.

Ngoài các triệu chứng lâm sàng, các biến đổi sinh học ở người bệnh cũng có thay đổi. Biểu hiện bệnh lý của nước tiểu có giá trị quyết định chẩn đoán như: protein niệu trong giai đoạn giảm nước tiểu có nồng độ rất cao, có khi trên 3g/lít nhưng đa số các trường hợp thường ít khi quá 2g/24 giờ; phân tích điện di protein niệu cho thấy không có tính chất chọn lọc. Hồng cầu niệu hầu như tất cả các trường hợp đều được phát hiện, thường trên 100.000 hồng cầu/phút; do có nhiều hồng cầu nên có thể tìm thấy trụ hồng cầu, hình thái hồng cầu niệu bị biến dạng và nhỏ hơn bình thường; ngoài trụ hồng cầu còn thấy trụ hạt chứng tỏ có tổn thương ống thận kèm theo. Máu có hàm lượng bổ thể và protein trong huyết thanh giảm, đây là một xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán và tiên lượng bệnh viêm cầu thận cấp; hàm lượng bổ thể thường trở về chỉ số bình thường sau 6 - 8 tuần, nếu hàm lượng tiếp tục thấp thì tiên lượng xấu; cryoglobulin máu cũng thường được phát hiện trong bệnh viêm cầu thận cấp, phức hợp miễn dịch lưu hành thường gặp trong giai đoạn cấp tính và mất đi sau vài tuần; urê máu và creatinin máu trong đa số các trường hợp ở giới hạn bình thường và có thể tăng trong các thể bệnh vô niệu kéo dài hoặc do sai lầm trong chế độ ăn. Điện giải đồ cũng ít biến đổi trừ thể bệnh có suy thận.

Tiến triển của bệnh và biến chứng

Bệnh viêm cầu thận cấp có thể tiến triển đến khỏi bệnh hoàn toàn với tỉ lệ ở trẻ em khoảng từ 75 - 95% và người lớn không quá 50 - 70%. Quá trình khỏi bệnh thường diễn biến qua hai giai đoạn: giai đoạn đầu bệnh thuyên giảm nhanh, các dấu hiệu lâm sàng thường khỏi sau 1 - 2 tuần. Giai đoạn sau đó quá trình hồi phục các biến đổi sinh học tiến triển chậm hơn; bình thường các biến đổi nước tiểu như hồng cầu, protein niệu có khi kéo dài từ vài tháng đến một năm; chức năng thận phải sau 6 tháng mới trở về bình thường, các trường hợp xấu có thể dẫn đến tử vong. Trong trường hợp cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong do các biến chứng của tăng huyết áp làm suy tin cấp, phù phổi cấp hoặc phù não cấp hay do suy thận cấp. Hiện nay có thể hạn chế đến mức thấp tỉ lệ tử vong do biến chứng tăng huyết áp nhưng với biến chứng suy thận cấp vẫn còn là vấn đề nan giải; tỉ lệ tử vong trong giai đoạn cấp tính có thể chiếm đến 5%.

Bệnh viêm cầu thận cấp cũng có thể trở thành mạn tính với hai thể khác nhau. Thể tiến triển nhanh có tỉ lệ khoảng 5% ở trẻ em và từ 7 - 12% ở người lớn; các biểu hiện lâm sàng không thuyên giảm, thường kèm theo các dấu hiệu của hội chứng thận hư, tăng huyết áp và tình trạng suy thận tiến triển dần; về mô học các thể này thường là loại viêm cầu thận tăng sinh ngoại mạch với các hình liềm biểu mô; hiện nay tuy đã có nhiều biện pháp điều trị tích cực và có hiệu quả nhưng có khi không tránh khỏi tình trạng suy thận nặng không hồi phục. Thể tiến triển chậm chiếm tỉ lệ khoảng 5 - 15% ở trẻ em và 20 - 30% ở người lớn, thời gian đầu bệnh thuyên giảm nhanh, hết các triệu chứng lâm sàng và các biến đổi sinh học cũng thuyên giảm nhưng bệnh có thể có diễn biến tiềm tàng sau nhiều năm; vì vậy cần tiến hành sinh thiết thận nhiều lần mới có thể xác định được chẩn đoán. Ngoài ra, bệnh có thể tái phát nhưng ít gặp do tình trạng miễn dịch đối với liên cầu khuẩn gây bệnh viêm cầu thận khá lâu; thực tế thường gặp những đợt bột phát cấp tính của những thể viêm cầu thận mạn tính. Di chứng để lại trong một số ít trường hợp mắc bệnh viêm cầu thận cấp là tình trạng protein niệu đơn thuần kéo dài trong nhiều năm trong khi không còn dấu hiệu lâm sàng và biến đổi sinh học, sinh thiết thận để xét nghiệm cũng không thấy tổn thương.

Trong giai đoạn cấp tính, bệnh viêm cầu thận cấp có thể gây nên ba biến chứng nặng có khả năng dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời là suy tim cấp, phù phổi cấp và suy thận cấp; tỉ lệ các biến chứng chiếm khoảng 5 - 10% các trường hợp. Suy tim cấp thường xảy ra trong tuần đầu với các triệu chứng khó thở, tím tái, tim to và có tiếng ngựa phi tiền tâm thu, gan to, phổi có ran ẩm nhỏ hạt ở đáy, phim X-quang phổi cho thấy có tình trạng ứ huyết nhất là khi có phù phổi cấp; ở trẻ em đôi khi bị chẩn đoán nhầm viêm phổi; huyết áp tăng trong giai đoạn đầu và khi có phù phổi cấp thì huyết áp có thể giảm. Phù phổi cấp thường gặp ở những trẻ lớn với triệu chứng phù nhẹ và tăng huyết áp, nổi bật là các dấu hiệu về thần kinh như nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, mờ mắt tạm thời, co giật kiểu động kinh rồi hôn mê; khi soi đáy mắt vẫn thấy bình thường. Suy thận cấp là biến chứng cần được lưu ý trong bệnh viêm cầu thận cấp thể vô niệu gồm hai nhóm lành tính và ác tính; nhóm lành tính có triệu chứng vô niệu không kéo dài quá 5 ngày, urê máu tăng nhưng có thể điều trị được tình trạng suy thận bằng các biện pháp thông thường; nhóm ác tính có triệu chứng vô niệu kéo dài, urê máu và creatinin máu tăng cao, điều trị bằng các phương pháp nội khoa thông thường không có kết quả; viêm cầu thận cấp thể vô niệu không những có thể gây tử vong trong giai đoạn cấp tính mà còn có xu hướng tiến triển thành thể bán cấp tính hoặc mạn tính.

Tiên lượng và phòng bệnh

Bệnh viêm cầu thận cấp ở trẻ em thường có tiên lượng tốt hơn người lớn, nếu chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể ngăn ngừa được các biến chứng gây tử vong trong giai đoạn cấp tính. Tiên lượng lâu dài của bệnh đặc biệt là ở người lớn khó xác định vì chúng phụ thuốc và tổn thương mô bệnh học. Các thể viêm cầu thận tăng sinh gian mao mạch nặng hoặc có hình liềm biểu mô ở hơn 40% số cầu thận thường có tiên lượng xấu. Đồng thời bệnh viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn ở da thường lành tính hơn bệnh viêm cầu thận cấp do nhiễm khuẩn mũi họng. Tất cả bệnh nhân viêm cầu thận cấp đều phải được điều trị và theo dõi sát tại bệnh viện, đặc biệt ở trong giai đoạn cấp tính nhằm ngăn ngừa và xử trí kịp thời các biến chứng; sau khi điều trị khỏi phải được theo dõi tiếp trong một năm.

Về chế độ ăn, phải hạn chế tuyệt đối chất muối trong 2 - 4 tuần tùy theo mức độ thuyên giảm của bệnh; số lượng nước ăn uống cũng phải hạn chế tùy theo số lượng nước tiểu và tình trạng bệnh căn cứ vào dấu hiệu phù nhiều, huyết áp cao; việc hạn chế khẩu phần protid chỉ xem xét đối với thể viêm cầu thận cấp có suy thận.

Về chế độ chăm sóc và theo dõi, bệnh nhân cần phải được nghỉ ngơi tại giường nằm trong giai đoạn cấp tính của bệnh khoảng 2 - 4 tuần để đề phòng biến chứng; hàng ngày phải đo huyết áp, cân nặng và số lượng nước tiểu cho đến khi hết các triệu chứng lâm sàng; phải nghỉ dưỡng, miễn lao động nặng trong vòng từ 3 - 6 tháng.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Những điều cần biết về suy giáp

Dưới đây là một số sự thật về suy giáp

Hàm lượng hormon tuyến giáp thấp cản trở hoạt động của buồng trứng và khiến chúng sản sinh ít progesterone dẫn tới hội chứng tiền kinh nguyệt. Theo Hội Tuyến giáp Ấn Độ, khoảng 70% phụ nữ bị hội chứng tiền kinh nguyệt có chức năng tuyến giáp suy giảm và kết quả là có thể bị vô sinh.

Hormon tuyến giáp điều chỉnh chức năng tế bào, chức năng tuyến giáp bất thường có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản. Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và không được điều trị có thể gây vô sinh hoặc sảy thai liên tiếp.

Hàm lượng hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở rụng trứng, làm giảm khả năng sinh sản. Ngoài ra, một số nguyên nhân tiềm ẩn của chứng suy giáp như rối loạn tự miễn hoặc rối loạn tuyến yên cũng làm giảm khả năng sinh sản.

Các triệu chứng của bệnh khác nhau ở mỗi người. Một số phụ nữ không có triệu chứng và một số khác có một số triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng chung là tăng cân, mệt mỏi, táo bón, đau cơ và khớp, không chịu được lạnh, kinh nguyệt bất thường và không đều, mất ngủ. Da có thể trở nên khô, dày. Tóc có thể bị gãy rụng và mỏng. Ngoài ra, không thể mang thai cũng có thể là một triệu chứng.

Điều trị suy giáp khác nhau ở mỗi người. Nếu bạn dự định mang thai, hãy nhờ bác sĩ tư vấn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ có thể đề nghị một liệu pháp thay thế hormon để khôi phục lại khả năng sinh sản. Có thể mất khoảng 1-2 tháng để bình thường hóa hàm lượng hormon tuyến giáp bằng thuốc và khi bạn bắt đầu uống thuốc, bạn cần kiểm tra hàm lượng TSH để xác định xem nó có nằm trong mức bình thường hay không. Bạn sẽ cần uống thuốc liên tục suốt đời và kiểm tra lại chức năng tuyến giáp cứ mỗi 6 tháng.

Để duy trì hàm lượng tuyến giáp trong giới hạn bình thường, hãy cố gắng giảm cân, tuân thủ việc dùng thuốc, tránh căng thẳng, không bỏ qua các triệu chứng và thường xuyên kiểm tra. Tất cả những điều này có thể giúp bạn thụ thai sớm và mang thai thuận lợi, sinh con dễ dàng.

BS Thu Vân

(Theo Healthsite)

Nóng bức – làm gì để giải nhiệt cho gan?

Mới vào đầu hè, những đợt nắng nóng oi bức khiến cơ thể con người chưa kịp thích nghi, cộng thêm việc sinh hoạt, ăn uống không điều độ khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt, khó chịu trong người. Khi trời nóng, họ thường bị khát, da khô, thậm chí nổi mụn nhọt, lở loét bên ngoài. Theo đông y, đó là dấu hiệu của chứng nóng gan do chức năng gan suy giảm hay dông y gọi là can huyết nhiệt.

Nóng gan theo quan điểm của y học cổ truyền

TTUT. BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, môi trường sống tác động không nhỏ đến sức khỏe con người. Theo quan điểm của đông y, nếu nhiệt độ môi trường tăng cao làm cho quá trình chuyển hóa trong cơ thể tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc gan phải làm việc nhiều hơn, sinh ra nhiệt, từ đó gây ra can huyết nhiệt. Nếu gan phải làm việc quá tải, chức năng gan sẽ suy giảm gây bệnh tật.

Gan được ví như một nhà máy quan trọng của cơ thể con người giúp chuyển hóa, tổng hợp và loại bỏ các chất độc ra khỏi cơ thể. Tất cả thức ăn, nước uống khi vào cơ thể đều được tổng hợp và thanh lọc qua gan, các chất dinh dưỡng được hấp thụ để nuôi cơ thể, còn các chất độc hại gan lọc được sẽ được bài tiết ra ngoài. Theo đông y, nếu để tình trạng nóng trong người kéo dài tức là độc tố và nhiệt độc của cơ thể không thể thoát ra, tích tụ trong cơ thể, lâu dần cũng sinh bệnh. Theo đông y, đó là do can huyết nhiệt, tức là máu ở gan nóng sẽ sinh bệnh.

Trong đông y chia ra 2 loại, thực chứng và hư chứng. Thực chứng là những bệnh mới mắc làm gan nóng – gọi là can huyết thực nhiệt (cấp tính), còn các bệnh mạn tính làm gan sinh nhiệt gọi là can huyết nhiệt – đây là thể hư chứng. Tùy thuộc vào thể bệnh mà đông y sẽ có cách điều trị thích hợp, BS CKII Nguyễn Hồng Siêm giải thích.

Làm gì để giải nhiệt cho gan?

Theo BS CKII Nguyễn Hồng Siêm, để không bị chứng nóng gan, mỗi người cần tự biết cách bảo vệ sức khỏe cho mình. Điều quan trọng nhất để phòng tránh mắc các bệnh về gan trong mùa nóng là có một chế độ sinh hoạt, vận động, ăn uống điều độ, hợp lý. Cần ngủ đủ giấc vì gan cũng như các cơ quan khác trong cơ thể cần thời gian để nghỉ ngơi, tái tạo lại. Một chế độ ăn nhiều rau xanh, quả chín, uống đủ nước, tránh xa các chất cay nóng rất tốt để bảo vệ sức khỏe. Bởi vì vào mùa hè, khi môi trường bên ngoài oi bức, cộng thêm việc chúng ta ăn nhiều các chất cay nóng, cơ thể dễ sinh nhiệt, gây nóng trong người, điều này sẽ gây ra can huyết nhiệt.

Chế độ ăn nhiều rau quả giúp giải nhiệt cơ thể.

Để bảo vệ sức khỏe cho gan, tuyệt đối không lạm dụng rượu bia, bởi gan là cơ quan bị ảnh hưởng nặng nếu người bệnh thường xuyên uống rượu hay nghiện rượu. Biến chứng nặng nhất mà người bệnh có thể gặp phải là xơ gan hay ung thư gan do rượu.

Nếu mắc các bệnh về gan mạn tính, người bệnh cần phải được theo dõi định kỳ. Bởi như trên đã đề cập, có những chứng bệnh ảnh hưởng tới gan do các bệnh mạn tính gây ra, BS Siêm lưu ý.

Ngoài các lưu ý trên, BS Siêm còn khuyên, để tránh nóng trong người, người dân có thể sử dụng các loại rau, thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt, giải độc như rau má, diếp cá, mướp đắng, một số thực phẩm thông dụng dễ kiếm có tác dụng tốt như dưa hấu, nước chanh …. hay các loại thực phẩm - thuốc được sử dụng rất phổ biến trong dân gian như sắn dây (có tên đông y là cát căn), cỏ nhọ nồi, ké đầu ngựa, bồ công anh, cây vòi tre…

Hải Yến


Dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên

Trầm cảm ở độ tuổi vị thành niên khá phổ biến. Các bậc phụ huynh cần nhận biết những dấu hiệu trầm cảm ở con để tiếp cận giúp đỡ, tránh để cho trẻ tự đánh mất đi sự sống.

Dưới đây là những dấu hiệu trầm cảm ở trẻ vị thành niên phụ huynh không nên bỏ qua:

1.Không quan tâm tới các hoạt động yêu ích

Đây là dấu hiệu báo động đầu tiên cho thấy trẻ có những thay đổi về tâm trạng.

2.Rối loạn giấc ngủ

Ngủ quá nhiều hoặc quá ít đều có thể là dấu hiệu trầm cảm ở tuổi vị thành niên. Yếu tố khác phụ huynh nên nhận thấy cùng với những thay đổi mô hình giấc ngủ là trẻ có thể làm trái với những hoạt động thường ngày của mình.

3.Thiếu tương tác xã hội

Nếu trẻ vốn thân thiện, vui vẻ và hướng ngoại bỗng thu mình dưới một lớp vỏ, đó có thể là dấu hiệu trẻ đang phải chịu đựng trầm cảm.

4.Nói về tự sát

Một đứa trẻ khỏe mạnh và tâm lý ổn định sẽ không nói về tự sát. Nhưng nếu trẻ bắt đầu trở nên quá tò mò về tự sát, bắt đầu tìm kiếm các chủ đề, bài báo về tự sát. Bạn không nên bỏ qua dấu hiệu này. Hãy nói chuyện với con bạn về lý do tìm kiếm thông tin về tự sát. Bạn có thể nhờ chuyên gia tư vấn về điều này.

Trầm cảm vị thành niên

5.Thay đổi thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống có liên quan nhiều đến trạng thái tâm lý của bạn. Điều này cũng đúng với trẻ vị thành niên. Vì vậy, nếu con bạn ăn quá nhiều hoặc quá ít, bạn nên chú ý. Thay đổi thói quen ăn uống có thể do con bạn có những thay đổi tâm trạng mà bạn cần lưu tâm.

6.Xuống hạng

Nếu trẻ bắt đầu sa sút về lực học cùng với những thay đổi về chế độ ăn, ngủ thì có thể do trẻ đang trải qua những biến đổi tâm lý sâu sắc. Đây là có thể là dấu hiệu của trầm cảm.

7.Quá nhạy cảm

Trẻ vị thành niên bị trầm cảm thường có tâm trạng quá nhạy cảm. Điều này thể hiện khi hội thoại cùng cha mẹ, ở những câu nói mang tính hờn dỗi như “bố mẹ không yêu con”, “bố mẹ không có thời gian dành cho con”. Đây có thể là một dấu hiệu đáng báo động.

8.Thay đổi tâm trạng

Khó chịu, buồn bã, hiếu động, cô đơn, hạnh phúc thái quá là một số cảm xúc trẻ sẽ phải đối mặt khi bị trầm cảm

BS Thu Vân

(Theo THS)

Trợ giúp khi “cậu nhỏ” bị vùi lấp

Tình trạng “cậu nhỏ” bị vùi lấp còn gọi là lún dương vật không phải là hiếm gặp. Đây có thể là bẩm sinh do ông trời lỡ tay trong lúc tạo tác hình hài, nhưng cũng có khi là biến chứng mắc phải sau khi sửa chữa một dị tật sinh dục bẩm sinh khác. Nếu không may rơi vào một trong những trường hợp trên, phải làm sao đây?

Lún dương vật là gì?

Bình thường, lớp da bao phủ phía bên ngoài dương vật một cách đều đặn từ đỉnh cho đến gốc dương vật. Tuy nhiên, một số trẻ sinh ra, lớp da này không đồng đều mà chỉ có 1 phần nhỏ bao phủ thân dương vật, phần còn lại lẫn vào phía dưới bìu. Chính vì thế làm cho dương vật bị ẩn phía dưới lớp mỡ trước xương mu. Tình trạng này được gọi là lún dương vật hay là dương vật bị vùi lấp.

Nguyên nhân gây ra lún dương vật

Những trường hợp lún dương vật bẩm sinh có thể liên quan đến một số nguyên nhân như: Bao quy đầu (BQĐ) chưa tách hết làm cản trở dương vật vươn ra phía ngoài; Phân bố mỡ không đều, quá nhiều mỡ trước xương mu (vùng bụng dưới), thường hay gặp ở trẻ nhỏ, kể cả những trẻ không bị thừa cân; Thiếu da bao phủ quanh dương vật; Lớp cơ dartos của thân dương vật dày xơ hóa bất thường chạy từ cân Scarpa của thành bụng tới quy đầu của dương vật. Dải băng xơ này kéo thân dương vật về phía sau và da dương vật lại không được cố định tốt với cân dương vật.

Lún dương vật mắc phải thường gặp nhất ở trẻ sau phẫu thuật cắt bao quy đầu không đúng chỉ định, đây cũng chính là một trong những biến chứng phức tạp của phẫu thuật cắt BQĐ.

Khi thấy bất thường tại bộ phận sinh dục của bé, cha mẹ cần đưa bé đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa Nhi.

Khi thấy bất thường tại bộ phận sinh dục của bé, cha mẹ cần đưa bé đi khám tại bệnh viện có chuyên khoa Nhi.

Dấu hiệu của lún dương vật

Thông thường, lún dương vật chỉ có thể được chẩn đoán chính xác khi trẻ được 2 tuổi. Khi đó, trẻ có thể có các dấu hiệu:

Bố mẹ sẽ cảm thấy dương vật của con mình nhỏ hơn so với các trẻ khác.

Da BQĐ có thể bị phồng lên khi trẻ đi tiểu, nước tiểu chảy theo kiểu nhỏ giọt. Việc này làm cho trẻ gặp khó khăn khi cố gắng hướng dòng nước tiểu theo ý mình khi chúng tập đi vệ sinh vào bồn cầu.

Trẻ lớn bị lún dương vật thường ở những trẻ bị béo phì, ngoài ra còn có thể có các triệu chứng: Đau khi đi tiểu hoặc khó đái, có thể bị viêm nhiễm da BQĐ; Khó khăn khi hướng dòng nước tiểu vì không cầm nắm được; Khó khăn trong vệ sinh cá nhân; Tự nhốt mình trong nhà vệ sinh vì xấu hổ.

Điều trị lún dương vật

Trong đa số các trường hợp, lún dương vật có thể tự cải thiện mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, cần phẫu thuật để điều trị nguyên nhân.

Từ các nguyên nhân của lún dương vật mà các phương pháp điều trị cần theo các bước:

Giảm béo: Điều này rất quan trọng đối với các trẻ béo phì, giảm béo sẽ làm giảm lớp mỡ dưới da ở vùng trước xương mu, từ đó, dương vật sẽ có cơ hội được bộc lộ ra

Nong BQĐ: BQĐ hẹp là tác nhân kìm hãm sự phát triển của dương vật. Cần phải có phương pháp chăm sóc BQĐ đúng cách để cải thiện tình trạng này.

Ở trẻ nhỏ, bố mẹ trẻ cần nhẹ nhàng kéo BQĐ xuống hàng ngày, mỗi ngày kéo mạnh hơn một chút, đồng thời kết hợp vệ sinh phía trong cho đến khi quy đầu được bộc lộ hoàn toàn mà chỉ cần kéo nhẹ là thành công.

Với trẻ lớn, có thể kết hợp nong bao quy đầu bằng tay với bôi tại chỗ một số thuốc mỡ có tác dụng làm mềm da, chống viêm.

Khi cần thiết, bác sĩ có thể chủ động tách bao quy đầu ngay tại phòng tiểu phẫu để giúp cho quá trình nong này được nhanh hơn

Cần hết sức thận trọng khi phẫu thuật cắt BQĐ ở trẻ bị lún dương vật bởi vì BQĐ là nguyên liệu cực kì quý giá để tạo hình kéo dài dương vật khi phải phẫu thuật.

Phẫu thuật: Phẫu thuật là biện pháp cuối cùng khi 2 biện pháp đầu tiên đã thực hiện nhưng tình trạng lún dương vật không được cải thiện. Phẫu thuật nhằm mục đích cắt đứt dải xơ co kéo dương vật, cố định lại gốc dương vật, đôi khi kết hợp với lấy bỏ tổ chức mỡ trước xương mu.

Lời khuyên của thầy thuốc

Các phụ huynh hoặc không để ý nên phát hiện chậm những bất thường tại bộ phận sinh dục của con hoặc khi phát hiện ra lại thường hay nôn nóng, quá lo lắng. Đa số các trường hợp vùi lấp dương vật không cần phẫu thuật. Tùy theo từng trường hợp cụ thể khi đến thăm khám, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách xử lý. Thêm nữa, lún dương vật có thể mắc phải do biến chứng khi cắt BQĐ không đúng chỉ định. Vì vậy, khi đưa trẻ đi khám và cắt bao quy đầu, nên tới các bệnh viện có chuyên khoa ngoại nhi.

Lún dương vật cũng như các dị tật sinh dục bẩm sinh khác nên được phát hiện và xử lý trước tuổi đi học để tránh cho trẻ bị ảnh hưởng tâm lý.

ThS.BS. Trần Đức Tâm (BV Việt Đức)

Vì sao hay hắt hơi liên tục?

Sức khỏe em tốt, không bị ốm nhưng gần đây, mỗi sáng thức dậy em hay bị hắt hơi liên tục rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân do đâu?

Lê Hà (Đồng Nai)

Vì sao hay hắt hơi liên tục? 1Ảnh nguồn google.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hắt hơi liên tục, trong đó thông thường hắt hơi xuất hiện khi niêm mạc mũi bị tác động bởi các yếu tố như lạnh (hay xuất hiện vào buổi sáng khi vừa thức giấc hoặc đang từ ngoài bước vào phòng điều hòa). Hoặc do người bệnh hít phải các chất kích thích như: bụi, mùi hành cay, mùi nước hoa, mùi thuốc nhuộm trong vải,... Người bệnh có thể hắt hơi từng cái một hoặc hắt hơi từng tràng, vài chục cái một lúc rất khó chịu. Đôi khi chỉ cần thời tiết sắp thay đổi là những người này đã hắt hơi liên tục. Sau khi hắt hơi, có thể người đó lại trở lại hoàn toàn bình thường, hoặc hắt hơi cứ tiếp diễn.

Ngoài ra, ánh sáng mặt trời cũng có thể là nguyên nhân phổ biến gây ra triệu chứng hắt hơi. Đây là những người bị mắc hội chứng hắt hơi (sneeze syndrome) và hội chứng này có tính di truyền từ bố mẹ sang con cái.

Vì vậy, theo thư bạn kể nếu không mắc các bệnh viêm họng, viêm mũi, cảm cúm thì có thể do nguyên nhân thay đổi môi trường lạnh đột ngột hoặc do dị ứng với một chất kích thích nào đó.

Để loại trừ nguyên nhân, bạn cần vệ sinh nhà cửa, phòng ngủ sạch sẽ, giữ ấm khi thời tiết chuyển mùa, tránh tắm và gội đầu vào buổi sáng… Nếu hắt hơi kéo dài và kèm theo các triệu chứng ngạt mũi hoặc bất thường bạn cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hiền